Điều chỉnh điều khiển hành vi
Quá trình điều chỉnh, điều khiển hành vi của tâm lý con người diễn ra rất phức tạp và sinh động trong giao tiếp. Bởi lẽ, rất nhiều thành phần tâm lý tham gia trước hết là hoạt động nhận thức, tiếp theo là thái độ rồi đến hành vi ứng xử. Sự phối hợp hoạt động của 3 thành phần này cần giao tiếp để lắng nghe đối tượng nói gì, lắng nghe để có đủ thông tin.
- Biểu hiện của kỹ năng nghe: Nhìn vào mặt người nói, im lặng hoặc đôi khi có cử chỉ khích lệ, gợi ý, động viên người nói như gật đầu, hoặc nói “vâng” “đúng rồi”… Nhưng trong thực tế giao tiếp, có lúc người nghe có biểu hiện trái ngược vớiphản ứng hành vi mà người nói mong đợi.
- Về thái độ biểu hiện: Có nụ cười cần thiết, nét mặt lúc rạng rỡ, lúc trầm ngâm… như hòa theo dòng biểu cảm của đối tượng giao tiếp. Nhưng lúc cần thiết phải biết thể hiện thái độ nghi ngờ, hoặc phản bác để tăng thêm sự hứng khởi của đối tượng giao tiếp.
- Biết lắng nghe còn thể hiện sự phân biệt đúng, sai qua những thay đổi của âm tiết, ngữ điệu, nhịp điệu âm thanh, cách diễn đạt, ngữ pháp… Như vậy, nghe bao hàm cả một phần xử lý thông tin nội dung của câu chuyện.
Khả năng xử lý thông tin
Thông thường có hai điều kiện cần để xử lý thông tin:
Một là: Có tri thức khoa học và vốn sống kinh nghiệm về đối tượng giao tiếp, nội dung, hoàn cảnh… giao tiếp.
Hai là: Được rèn luyện, tập luyện hành vi, phản ứng nhiều lần với cùng loại đối tượng, ở các hoàn cảnh, nội dung… giao tiếp khác nhau, trở thành quen thuộc, đến mức không cần sự kiểm tra của ý thức; hành vi, phản ứng trở thành tự động hóa.
Điều chỉnh, điều khiển bao hàm cả ý nghĩa linh hoạt, uyển chuyển, cơ động (không cứng nhấc, câu nệ, khuôn mẫu…) trong hành vi ứng xử của người lãnh đạo đối với đối tượng giao tiếp.
Khả năng điều chỉnh, điều khiên là kết quả tổng hợp hài hòa những tri thức khoa học, vốn sống kinh nghiệm nghề nghiệp cá nhân, sự rèn luyện kiên trì… thì mới có được những hành vi ứng xử đạt được mục đích giao tiếp khác nhau.